Khiêm Tốn là gì? Người Khiêm Tốn là như thế nào?
Khiêm tốn là gì? Người khiêm tốn là như thế nào? Bạn đã thực sự hiểu hết ý nghĩa ẩn chứa sau những từ ngữ đơn giản về đức tính quý báu này?
Qua nhiều năm học tập, làm việc và chiêm nghiệm qua việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Tôi nhận thấy một điều:
“Rất nhiều người trong chúng ta khi đọc tài liệu hoặc trong giao tiếp, sử dụng những từ nhằm chỉ tính cách của một con người thường sẽ “đại khái” hoặc hiểu “chung chung” nghĩa của chúng.”
Nhưng bạn có biết rằng, chính cách hiểu “mơ màng” như vậy sẽ dẫn tới một hệ quả là: Bạn không biết cách để áp dụng và thực hành chúng cho bản thân!
Điển hình là từ “Khiêm Tốn” được đề cập trong bài viết này.
Khoinguonsangtao.vn xin phép bạn hãy tạm dừng đọc văn bản một vài phút và tự trả lời xem: Khiêm tốn là gì?
Tôi biết rằng, khi chúng ta gặp nhau trong bài viết này, có nghĩa là bạn đang băn khoăn, trăn trở về ý nghĩa của từ này.
Nhưng một lần nữa, chúng ta phải thừa nhận với nhau về việc bản thân đã quá rộng rãi với bản thân trong việc hiểu nghĩa của từ. Và, tôi mong, từ sau bài viết này, bạn hãy cùng Khoinguonsangtao.vn bắt tay vào việc “chấm dứt cách hiểu từ ngữ một cách sơ sài” bằng cách truy tìm ý nghĩa của bất kỳ từ nào bạn còn đang mập mờ. Hãy tra cứu trên blog này hoặc bạn gửi những vấn đề đó cho Khoinguonsangtao.vn. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận và đưa ra bài đánh giá chung nhất nhé!
Thôi, không lòng vòng nữa, chúng ta cùng bắt tay vào giải quyết vấn đề của bài viết này ngay và luôn nào!
Khiêm tốn là gì?
Từ điển Tiếng Việt có đoạn:
“Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ”
→ Một cách đơn giản và dân dã, chúng ta có thể hiểu: “Khiêm tốn = Khiêm nhường + Từ tốn”
(Bớt đi tính huênh hoang kiêu ngạo, nhiều hơn sự bình tĩnh, tỉnh táo)
Dễ thấy, khiêm tốn là một trong những đức tính quý báu nhất của con người. Nó giúp bạn có cái nhìn đúng mực nhưng cởi mở về bản thân và trong cả việc nhìn nhận khi đánh giá về thế giới xung quanh.
Trái ngược với “Khiêm Tốn” là: Huênh hoang, Kiêu căng, Kiêu ngạo, Tự cao tự đại.
Để giúp bạn hình dung rõ nét hơn về người có đức tính khiêm tốn là như thế nào, Khoinguonsangtao.vn mời bạn đọc sang phần tiếp theo dưới đây.
Người khiêm tốn có biểu hiện gì?
Người khiêm tốn hay chúng ta có thể hiểu nôm na là người bỏ được cái tôi của bản thân. Họ chắc chắn là một người bạn đáng tin, dễ gần cho chúng ta.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về người có đức tính khiêm tốn là người như thế nào, Khoinguonsangtao.vn xin liệt kê ra đây những biểu hiện của người khiêm tốn:
- Chấp nhận giới hạn của bản thân: Họ không bao giờ là người tự ti về khuyết điểm của bản thân. Họ chấp nhận những giới hạn mà bản thân họ đang có.
- Nhận ra khuyết điểm của mình: Người khiêm tốn là người luôn soi xét bản thân họ để tìm ra được điểm hạn chế. Do đó, họ sẽ nhận ra được khuyết điểm của mình nếu được người khác góp ý.
- Biết lắng nghe, thấu hiểu: Họ rất chịu lắng nghe người khác nói, trao đổi về mọi thứ. Họ cũng thấu hiểu cho hoàn cảnh và tầng bậc của từng con người họ gặp phải trong đời. Biểu hiện thường thấy nhất đó là người khiêm tốn thì thường nói ít, nói súc tích dễ hiểu và ít thao thao bất tuyệt.
- Là một người lương thiện, tốt bụng: Bạn sẽ chẳng thấy một ai có đức tính khiêm tốn mà lại là kẻ xấu cả. Chính bởi vì họ luôn biết lắng nghe và nhận ra khuyết điểm của mình nên họ sẽ không bao giờ là một kẻ xấu xa, bại hoại cả!
- Không so sánh: Người khiêm tốt rất ít khi so sánh người nọ với người kia (trừ trường hợp cần thiết), bởi vì họ hiểu mọi người và biết rằng ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm.
- Biết ơn: Họ luôn là người nhớ ơn và biết đền ơn đáp nghĩa. Người khiêm tốn không chỉ biết ơn cha mẹ sinh ra mình, biết ơn người khác giúp đỡ mình mà còn biết ơn cuộc sống đã sinh thành và dưỡng dục họ, để họ được trải nghiệm sự thú vị của cuộc sống. (tìm hiểu Cuộc sống là gì tại đây)
- Luôn bao dung: Bạn sẽ thấy một người khiêm tốn là một người rất bao dung. Họ lắng nghe, thấu hiểu và là người lương thiện nên họ sẽ rất dễ dàng chấp nhận sự sai phạm, yếu kém của người khác. Người khiêm tốn cũng chính là người có tấm lòng rộng lớn.
Vậy là Khoinguonsangtao.vn đã cùng bạn cụ thể hóa hình ảnh về một con người khiêm tốn là như thế nào.
Tin tưởng rằng tới đây, bạn chắc chắn đã mường tượng và tìm cho mình được con đường đúng đắn để thực hành đức tình khiêm tốn này rồi.
Chúng ta sẽ cùng bàn luận về những lợi ích và ý nghĩa của Khiêm tốn trong phần tiếp theo.!
Người khiêm tốn sẽ được lợi ích gì?
Bạn có biết rằng, đức tính khiêm tốn là một trong những đức tính quan trọng nhất trong việc giáo dục một con người. Một người khiêm tốn sẽ luôn nhận thức rõ bản thân mình trong mối tương quan với thế giới. Người khiêm tốn sẽ biết lắng nghe và chia sẻ đúng lúc. Họ sẽ học tập được nhiều thứ hơn!
Một trong những minh chứng cho tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn, phải kể tới 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, trong đó – điều dạy thứ 5 mà Bác nhấn mạnh cho các cháu:
“Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm!” – trích dẫn 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng.
Từ trong lời dạy của Bác tới các cháu thiếu niên nhi đồng, ta có thể thấy có rất nhiều đức tính quý báu nhưng cũng rất cơ bản mà bất kỳ ai trong số chúng ta cũng nên thực hành theo.
Và tất cả chúng đều được blog Khởi Nguồn Sáng Tạo VN giải thích cặn kẽ. Bạn quan tâm thì có thể đọc chủ đề: Những đức tính quan trọng giúp hoàn thiện bản thân.
Nói về lợi ích của đức tính khiêm tốn, chúng ta có thể liệt kê ra đây thật nhiều thứ:
- Họ là người đáng tin nên luôn được mọi người quý mến, chia sẻ và giao phó trách nhiệm
- Họ biết lắng nghe nên sẽ học được nhiều thứ hơn.
- Họ không huênh hoang khoác lác nên cũng bớt đi thật nhiều kẻ ganh ghét mình.
→Điểm tuyệt vời nhất: Đức tính khiêm tốn là một đức tính quý báu nên không có nhược điểm gì cả. Chúng ta thực hành đức tính khiêm tốn thì sẽ không bao giờ phải nghĩ tới “tác dụng phụ” (nguy hại) mà nó đem lại. Thật tuyệt vời phải không?
Thực hành đức tính khiêm tốn có khó không?
→ Đáp án là Khó đối với những ai đã có thói quen “nói quá” và “tự cao tự đại” trong thời gian dài.
Tuy nhiên, Khó không có nghĩa là không thể!
“Với bất cứ ai, khi muốn thực hành đức tính khiêm tốn cho chính mình. Bạn chỉ cần “nói ít đi” về cả số lượng lẫn mức độ.“
Điều đó sẽ giúp cho cuộc sống của bạn dễ dàng đi rất nhiều và cũng đồng thời giúp bạn áp dụng thành công đức tính Khiêm tốn cho bản thân.
→Đáp án là Dễ Dàng đối với trẻ em và những người sống chân thật, giản dị.
Thực là xin lỗi nếu trong phần trả lời của tôi có khiến bạn cảm thấy bị tổn thương. Song, chúng ta cần phải thành thật để giúp nhau hiểu rõ ràng. Đặc biệt là khi nói về một khái niệm có tính trừu tượng như vậy.
Lời kết
Vậy là Khởinguồnsángtạo_vn đã cùng bạn đi hết hành trình khám phá ra ý nghĩa của Khiêm tốn là gì rồi. Hi vọng phần trình bày bài viết này không quá rườm rà làm tốn thời gian của bạn và cũng không quá sơ sài để rồi khiến bạn hiểu “mập mờ” về khái niệm này.
Tới đây, bạn đừng dừng lại vội. Hãy nhắm mắt và ghi chú lại những gì mà bạn hiểu được ra một tờ giấy. Và suy ngẫm xem còn thiếu sót gì không và hãy bổ sung vào cho đầy đủ và thú vị hơn nhé! Trí tưởng tượng và sáng tạo của bạn là vô hạn, đừng giới hạn nó trong những gì mà bài viết này đề cập.
Chúc bạn thành công! Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết khác!